Đà Nẵng mỗi
khi nhắc đến sẽ khiến ta nghĩ ngay đến không chỉ là một thành phố thơ
mộng giữa núi, sông và biển, mà còn là nơi nổi tiếng về ẩm thực với
hương vị riêng biệt và đặc sắc. Sau đây BN mời các bạn cùng du ngoạn Đà Nẵng săn tìm các món ngon đặc sản và các địa điểm ăn ngon Đà Thành.
Chè Xoa Xoa Hạt Lựu
Bánh Khô Mè Cẩm Lệ
Tàu Hũ Cocktail
BÁNH BÈO
BÁNH XÈO ĐÀ NẴNG
Khỏi phải nói thì ai
cũng biết mì Quảng là món nổi danh của Đà Thành.
Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của
tô mì. Mì Quảng rất đa dạng nhưng hương vị
đặc trưng của nó thì
không lẫn vào đâu được, nào là mì Quảng bò, mì Quảng sứa,
mì Quảng cá lóc, mì Quảng sườn non, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua,
nhưng để nói đến tô mì
Quảng đúng
“chất”, đúng
vị "truyền thống" nhất thì phải là "tứ trụ" tôm, gà, trứng, thịt. Tất
cả các thứ này đều được rim cho thấm, khi ăn thấy miếng gà dai, không
bở; con tôm thơm, chắc; miếng thịt quay ngọt và quả trứng cắn vào vừa
mềm vừa béo thì sẽ cảm nhận được hết cái ngon của món ăn. Không ăn theo
cách "tưới tắm" mì phở lênh láng nước dùng như miền Bắc và miền Nam,
người dân miền Trung ưa ăn khô, trộn sợi mì trong chút nước
cốt ngậy ngậy vừa béo vừa đậm đà để tất cả quyện lại
vào nhau, ăn cho chắc, cho bùi.
Theo kinh nghiệm của
người xưa, ăn mì Quảng
phải ăn kèm với nhiều rau sống mới ngon. Nhưng rau sống đúng kiểu mì
Quảng phải được kết hợp từ 9 loại rau như: cải non mới nụ, xà lách
tươi, húng, quế, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, rau
răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ…trộn lẫn với chuối bắp sắt mỏng, tất
cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên. Đặc biệt thành phần không
thể thiếu của mì Quảng là đậu phụng rang và bánh tráng mè nướng giòn.
Vị thơm của đậu phụng rang và giòn của bành tráng sẽ làm tăng thêm ý vị
cho món ăn đặc sản này.
Mì Quảng bán buổi sáng
tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh
(8h sáng là hết), Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả
ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động
tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán
kèm 3.000 đồng/cái. Nếu muốn thưởng thức một tô mì đúng chất xứ Quảng,
các bạn hãy ghé qua
200 Đống Đa, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng để ăn cho đã miệng. Quán chỉ mở
cửa từ tầm 4h chiều đến 10h
đêm.
Bạn
có thể
thưởng thức món ăn đặc sản này tại các hàng quán ăn sau:
- Đường Trần Bình Trọng --nhiều loại
- Quán: Số 86 Ngô Gia Tự - Đà Nẵng.
- Mì Quãng Dung: 174 Hoàng Diệu - Hải Châu – Đà Nẵng. Rất ngon, rẻ và đậm đà.
- Mì Quảng bà Ngân: 108 Đống Đà – Đà Nẵng. Gần ngã 3 Đống Đa - Lý Thường Kiệt. Giá khoảng 25.000đ/ 1 tô.
- Mì Quãng Đinh Tiên Hoàng: 53/54 Ông Ích Khiêm – Đà Nẵng. ĐT: +84 511 3863 025.
- Mì Quảng bà Lữ: 126 Hàm Nghi – Đà Nẵng. Điện Thoại: +84 511 6520243.
- Mì Quãng Hải Phòng: 05 Hải Phòng – Đà Nẵng. Điện Thoại: +84 511 3827 936.
- Mì Quảng bà Vị: 155 Trưng Nữ Vương; 60 Lê Văn Hiến; 166 Lê Đình Dương – Đà Nẵng. Điện Thoại: +84 511 3865 651. Giá khoảng 20.000 – 30.000 VND/tô.
Thực ra, cứ đến miền
Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả
cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng mới thật đặc biệt. Món bún này điều đầu
tiên là phải nói đến chả cá. Cá tươi được rửa sạch, bào lấy thịt và cho
vào cối và quếch nhuyễn với các gia vị theo tỉ lệ nhất định cho đến khi
thịt cá dẻo và dậy mùi thơm. Sau đó, tạc thành khối và đem đi hấp hơi
để tạo thành loại chả hấp hoặc đem chiên vàng trong dầu nóng gọi là chả
chiên. Phần nước súp làm nên sự khác biệt cho món ăn. Người ta hầm
xương cá là chủ yếu, có thể thêm ít xương heo hoặc bò. Và đặc biệt, nồi
nước súp luôn có thêm cà chua, thơm, su bắp, bí đỏ, măng tươi để tăng
thêm vị ngọt và đậm đà. Sợi bún ở Đà Nẵng được làm từ bột gạo, sợi nhỏ,
màu trắng đục và mềm vì không pha thêm bột sắn. Bún chả cá
được gọi là ngon trước hết khi ta ăn vào không có mùi tanh của cá, chỉ
nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau
củ quả và vị đậm đà của nước dùng khiến bất cứ thực khách nào cũng phải
xuýt xoa…Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, tuy không cầu kì như
rau sống của mì Quảng nhưng rau cũng cần phải tươi và đủ loại như xà
lách,
húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm.
Tô bún chả cá bốc khói
nghi ngút, được điểm xuyến vài cộng ngò
rí xanh rờn trên mặt nước màu đỏ trông rất duyên dáng. Xen lẫn đó là
những lát chả cá chiên hoặc hấp cắt theo hình con thoi bắt mắt. Nếu bạn
cảm thấy nhạc miệng có thể cho vào một ít mắm ruốt sẽ tạo nên mùi vị
đậm đà và đặc trưng. Đặc biệt không thể thiếu đối với món bún chả cá là
ớt tỏi giả và hành hương ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của
hành hương cộng với vị cay xé của ớt tỏi sẽ cho bạn những trải nghiệm
thú vị khó tả và không thể nào quên đối với món bún chả cá Đà Nẵng.
Bún cá bán ở khá nhiều nơi nhưng ngon và có tiếng nhất thì phải kể đển
bún cá trên đường Nguyễn Chí Thanh với giá khoảng 20.000 đồng một tô. Ngoài ra còn có một số nơi bạn nên ghé qua nếu
tiện đường: quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh
Gia Lai) bán cả ngày từ 7h - 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng
Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h - 10h ở đường Trần Cao Vân (đối
diện chợ Tam Tòa). Tất cả đều có giá phải chăng vô cùng, chỉ từ 15.000
đồng/tô. Quán bún chả cá bà Thanh nằm trên đường Hoàng Văn Thái, ở đây
chưa có số cụ thể nhưng nằm ngoài mặt tiền đường nên rất dễ tìm. Giá
13.000đ/1 tô.
Bạn
có thể
thưởng thức món ăn đặc sản này tại các hàng quán ăn sau:
- Bà Lan: 87 Lê Hồng Phong – Đà Nẵng.
- Bà Phiến: 63 Lê Hồng Phong – Đà Nẵng.
- Bún Chả Cá 152: 152 Quang Trung – Đà Nẵng.
- Bà Ba: Bên cạnh Big C (255-257 Hùng Vương, Thanh Khê - Đà Nẵng), trước tiệm vàng Hữu Đấu. (Bán từ 16h30 trở đi). Chả cá ở đây rất ngon, nhất là chả viên chiên.
- Quán....: 109 Nguyễn Chí Thanh – Đà Nẵng. Điện thoại: 05113 863 222
- Quán....: Khu vực đường Lý Thái Tổ & Phan Thanh – Đà Nẵng. Bán bắt đầu vào buổi chiều từ 18h00 đến đêm.
Thêm một
món bún rất riêng của người Đà Nẵng là bún mắm (hay còn gọi là bún mắm
nêm). Nó là món đặc sản bình dân mà bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi
trên địa bàn thành phố. Món ăn được ăn kèm với rau sống đơn
giản như xà lách, rau húng và sợi đu đủ non bào mỏng. Rau được xếp bên
dưới, tiếp đến là bún, bên trên là thịt heo quay hoặc thịt heo luộc,
nem, chả, tai heo tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Kèm theo đó là
một ít mít non luộc chín trộn đều với rau răm và đậu phộng.
Thành phần không thể
thiếu đó là mắm nêm. Cá cơm được rửa sạch, ướp với
muối theo công thức lưu truyền và bỏ vào hủ đậy kín lại. Sau 7 – 9 ngày
tùy theo tình hình thời tiết, mắm sẽ chín. Khi đó, mắm sẽ có mùi thơm
ngào ngạt đặc trưng. Để món mắm được vừa miệng và ngon hơn, người ta
thường pha chế lại bằng cách thêm vào ít gia vị, nước trái thơm… Những
ai đến Đà Nẵng, một lần thưởng thức món bún mắm sẽ khó mà quên được
hương vị đậm đà của nó.
- Bún Mắm Bà Thuyên: K424/03 đường Lê Duẩn – Đà Nẵng, đối diện chi nhánh MobiFone và Nguyễn Thị Minh Khai. Giá tham khảo: 15.000 – 20.000 VND/tô. Bún mắm thịt heo nem chả, mắm ngon tuyệt cú mèo. 8.000đ / 1 tô, ăn thêm miếng thịt quay thì 5.000đ/miếng. Ăn buổi sáng.
- Quán Bà Lệ: ở góc ngã tư Nguyễn Hoàng và Nguyễn Văn Linh. Bún mắm thịt luộc nem chả tai mui, mắm ngon không thua gì bà Thuyên. Quán này vừa ngon vừa rẻ. 3.000đ/1 tô.
- Quán Bà Mập: ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự; bún nem chả tai mui. Quán này mắm không được ngon cho lắm, nhưng có cái chả mỡ chiên tuyệt cú mèo. Giá từ 3.000đ - 5.000đ /1 tô. Quán vỉa hè.
- Quán Vân: K23/14 Trần Kế Xương.
- Quán Ngọc: 29 Đoàn Thị Điểm.
- Bún mắm ở gần siêu thị Bài Thơ, sau lưng Khu Ẩm Thực, ngon và rẻ.
- Bún mắm ở chợ Hoà Khánh vẫn là ngon nhất, sợi bún làm bằng tay, vừa rẻ vừa ngon.
Với món mít trộn,
nguyên liệu cơ bản là giống nhau, cũng từ trái mít
non luộc chín vừa tới rồi xắt sợi hoặc xé tơi để trộn gỏi, nhưng các
hàng quán “nhà giàu” thì trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ, nhìn món ăn
sang trọng hơn. Nhưng có lẽ đúng món mít trộn chân chất xứ này thì phải
là trộn với da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm
chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Tất cả trộn đều với nhau, tạo nên
mùi thơm quyến rũ, màu sắc cũng thật bắt mắt.
Ăn mít trộn thì không thể thiếu bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bẻ một
miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng,
vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm
của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo
nên một vị ngon không cưỡng được.
Đà Nẵng cũng là xứ nổi
tiếng với món ốc xào xả ớt, mà người dân địa
phương gọi dân dã là ốc út. Ốc miền Trung con nào con nấy nhỏ mà chắc
thịt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... nhiều vô số kể ở khắp nơi. Đem về
ngâm thật sạch, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị,
công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà khó quên.
Các quán thường bán
chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon
nhất là trên đường Ông Ích Khiêm (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn
Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa
mít.
- Kiều Kiều II: 326 Lê Duẫn - Quận Thanh Khê - Đà nẵng (nằm ngay ngã 4 Lê Duẫn giao với Hoàng Hoa Thám). Điện thoại: 05113 752 064 hoặc 05113 489 872. Mở cửa từ 14h00 đến 23h00. Giá trung bình: 35k - 100k.
- Quán Thuận: 60 Lê Duẫn - Đà nẵng; gần ngã tư Lê Duẫn và Nguyễn Thị Minh Khai (có nhiều quán). Nằm giữa quán Hiếu và Shop Memory. Giá dưới 15k/đĩa.
- Quán lề đường ngay ngã tư, tay trái theo hướng cầu Sông Hàn đi tới. Đối diện mặt sau ĐH Đà Nẵng.
- Dưới chân cầu Trần Thị Lý bên bờ đông sông Hàn (hỏi người ta chỉ cho). Nhớ gọi loại ốc suối.
- Đường Lê Duẫn (chỉ bán chiều tối) một loạt quán, gần chè Xuân Trang, gần cầu quay Sông Hàn.
- Trước cổng trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng (đường Nguyễn Lương Bằng) là nơi bán ốc hút được nhiều người cho là đỉnh nhất. Giá khoảng 10k/lon ốc.
Chả bò Đà Nẵng được
làm từ 100% thịt bò tươi. Đặc điểm của món ngon đà
nẵng này là hương vị thơm ngon, chất lượng. Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng,
khách sẽ thấy mùi thơm của rau thì là thoảng nhẹ, miếng chả có màu đỏ
hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai. Chả bò thường
được ăn kèm với nem chua, ngon khi ăn kèm với bánh mì, đồng thời là món
nhậu kèm với bia thì không gì tuyệt bằng. Đặc biệt ăn món ăn Đà Nẵng
này nhất thiết phải có tỏi tươi, hành tươi, rau thơm và có thể chấm
thêm tương ớt hoặc nước mắm tỏi ớt tùy khẩu vị của mỗi người. Khi ăn
vào miếng chả Đà Nẵng sẽ thấy rất đậm đà, cũng chỉ với nước mắm, muối,
tiêu, đường và hành tỏi nhưng thêm vào chút tấm lòng người Đà Nẵng thì
chả Đà Nẵng lại trở nên đậm tình.
Với những người đi xa
thì đây chính là món quà quê hương thấm tình của
người dân Đà Nẵng. Giá mỗi kg chả bò là 260.000 đồng. Ở Đà Nẵng bạn có
thể mua chả bò ở khu Bẩy Hiền, chả bò Tuấn mập, trong khu chợ Bà
Hoa...Chả ngon nhất phải đến đ/c 355/25 Trưng Nữ Vương- Đà Nẵng. Các
bạn có dịp đến thử sẽ biết, nhiều bạn hay mua chả ở đây, giá bình dân
mà cực kỳ ngon.
Các
loại nem, chả, tré Đà nẵng bạn tìm mua ở các nơi sau đây:
- Chợ Cồn: 318 Ông Ích Khiêm - Điện thoại: (0511)3 837 426
- Chợ Hàn: Trần Phú - Điện thoại: (0511)3 821 363
- Quán: Số 4 Hoàng Diệu - Điện thoại: 05113 828 821
- Quán: Số 77 Hải Phòng - Điện thoại: 05113 826 508
- Chả Lộc: Trần Bình Trọng (gần ngã 5)
- Chả Hường: 4 Hoàng Diệu
- Chả Nguyễn Thị Hồng: 90 Lý Tự Trọng
- Tré Bà Bình: 77 Hải Phòng – Đà Nẵng
- Tré Bà Cúc: 107 Hải Phòng – Đà Nẵng
Tré là một món ăn
ngon, lạ miệng nhưng cũng khá kén người ăn. Bất cứ
một người dân Đà Nẵng nào sành ăn cũng đều phải tấm tắc khen tré bà Đệ
ngon số 1 Đà Nẵng. Tré Bà Đệ có các sản phẩm như tré gói cổ truyền, tré
gói lá chuối, tré gói lá ổi. Tré được làm từ thịt nạc và thịt ba chỉ
cắt mỏng, sau đó trộn với tiêu,
hành, tỏi, ớt, muối, đường được ủ trong 2,3 ngày cho lên men. Tré phải
được bọn trong lá ổi rồi ở ngoài bọc thêm lá chuối. Nếu thích thì khi
ăn tré ta sẽ ăn kèm thêm một chút lá ổi non, vị chat nhè nhẹ của lá ổi
cộng với vị chua chua của tré thật rất kích thích vị giác.
Để tăng thêm hương vị
của tré thì người ăn có thể ăn kèm với đậu phộng,
cà rốt, đu đủ thái sợi, củ kiệu… phải thêm một chút ớt cay cay thì mới
đúng vị của nó. Ăn tré phải ăn kèm với tương ớt của Hội An thì sẽ tạo
nên một hỗn hợp ngây ngất người ăn.
Món tré này gần giống
với món nem thính ngoài Bắc, nhưng vị lạ hơn, cay
hơn. Tré được bán theo cặp, giá từ 15.000-20.000 đồng/cặp tùy loại to,
nhỏ. Giá một chục tré loại 350 gram gói giấy hay hộp nhựa khoảng 30
nghìn đồng. Tré thẩu lớn khoảng 85.000 đồng/thẩu, còn loại nhỏ khoảng
50.000 đồng. Ngoài tré ra, tại đây còn có bán nem và chả. Có điều, hai
loại sản phẩm này phải đặt tiền cọc trước.
Tré Bà Đệ luôn mở cửa
mời khách thập phương đến tham quan, xem trực
tiếp quy trình làm tré và cả nếm thử. Mọi người có thể mua tré tại 81
Hải Phòng
– Đà Nẵng hay
ở phòng cách ly sân bay quốc tế Đà
Nẵng.
BÁNH BÈO
Bánh bèo cũng có rất
nhiều loại được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn
bánh bèo. Bánh bèo tai thì nhỏ bằng lỗ tai được sắp sẵn lên đĩa mà
thường là đĩa thiết ăn mới ngon, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén
tròn nhỏ, trẹt miệng, còn bánh ướt được bày trong đĩa và cắt khúc. Và
tất cả đều có một điểm chung là rắc nhân lên trên mặt bánh. Nhân
bánh có hai loại. Loại khô được làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy
khô trên than hồng
để loại mùi tanh. Đến khi ăn chỉ còn lại vị bùi bùi và mặn mặn. Loại
nhân ướt được làm từ thịt nạc, nấm mèo, gia vị, sốt lên thành
một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn
được ăn kèm với nem chua, chả bò cây hoặc có thể là chả lụa khi ăn bánh
ướt. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước
mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi
nguội thêm ít chanh và đường, tất cả tạo nên vị thanh ngọt, chua chua
rất đặc trưng khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.
Bạn có thể tìm thấy
các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con
phố, ngõ hẻm nào trong thành phố. Thậm chí nếu du khách ở ngay tại
khách sạn, vẫn có thể thưởng thức các món ăn dân dã này, chỉ cần chiều
chiều ra ban công vừa hóng gió, vừa lắng tai nghe tiếng rao: "Bánh bèo,
bánh ướt đây" của các chị gánh dạo, là đã có ngay một dĩa bánh ngon
lành. Không kể đến những gánh hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn
(cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ
trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh
bèo chỉ khoảng 1.500 đồng. Để thưởng thức món ngon Đà Nẵng này một cách
đúng điệu thì bạn nên đến quán bánh bèo Bà Bé ở địa chỉ 100 Hoàng Văn
Thụ, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
- Quán Bà Bé: 100 Hoàng Văn Thụ – Đà Nẵng. Quán hoạt động từ sáng sớm cho tới tận tối.
- Quán Tâm: 297 Nguyễn Chí Thanh – Đà Nẵng.
- Quán 108: 108 Trưng Nữ Vương – Đà Nẵng.
*
Chỉ bán buổi chiều, bắt đầu từ 15h00 hàng ngày
BÁNH XÈO ĐÀ NẴNG
Bánh xèo Đà Nẵng không
nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ
riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm tự bột gạo xay có
thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được
lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ
tươi. Rau sống ăn kèm gồm xà lách, húng quế, chuối chát,
rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành
một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước
mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.
Tiêu chuẩn ăn bánh xèo
ngon là nhờ nước tương, bánh phải giòn vừa phải
có mùi béo ngậy của dầu phụng, vị ngọt của tôm và thịt nạc, rau phải
xanh và đủ loại, thiếu một trong các yếu tố trên thì chưa phải là một
đĩa bánh xèo ngon. Bánh xèo ăn nóng, quấn trong bánh tráng
mỏng hoặc lá cải to. Từng miếng bánh khi vào trong miệng còn thấy được
độ giòn vừa, thêm mùi béo ngậy, vị ngọt của tôm và thịt với man mát các
loại rau hòa chút chát chát của chuối xanh. Ăn một lần rồi nhớ mãi. Giá
bành xèo cũng “mềm”, chỉ từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải
Phòng…
- Bánh Xèo Bà Dưỡng: kiệt (ngõ) 11 Hoàng Diệu – Đà Nẵng. Đi qua nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, ngó bên phải, đi chút là có cái bảng ngoài đường. Địa chỉ mới: K280/23 Hoàng Diệu – Đà Nẵng.
- Bánh Xèo Bà Trai: 194 Đống Đa
- Quán: 29 Lê Đình Dương
- Quán: 36,38,40 Yên Bái
Một trong những đặc
sản ẩm thực Đà Nẵng, được xếp ngang hàng với mì
Quảng đã thành danh thì “bê thui Cầu Mống” là món ăn không thể không kể
đến trên chặng đường ẩm thực của du khách. Món bê thui
là món ăn đặc biệt ngon
và khá quen thuộc với hầu hết các khách sành ăn mỗi khi có dịp về Quảng
Nam và Đà Nẵng.
Cầu
Mống là một địa danh ở
bên quốc lộ 1A, cách Đà Nẵng 15km, thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện
Điện Bàn, tỉnh Quãng Nam (nằm khoảng giữa Hội An và Đà Nẵng). Ở đây có
hàng chục quán phục vụ món thịt bó
tái ngon được pha
thái khéo léo (từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da) ăn với mắm nêm
pha tương, ớt, tỏi, đường, chanh và các loại rau kèm theo chuối chát,
khế chua, rau thơm..., bánh tráng mè nướng giòn. Bê thui
ngon hay không phụ thuộc vào mắm và rau sống ăn kèm. Mắm phải là loại
mắm cá cơm nguyên con, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ven
biển. Mắm đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng
ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn.
Rau ăn kèm với bê thui
rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế
đặc trưng của vùng đất Hội An, rau tía tô thơm ngát, xà lách, cải non
kết hợp với khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và
giá đỗ…tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đậm đà mà da diết.
- Bà Ngọc: 228 Đống Đa – Đà Nẵng.
- Bò Tái: 103 Triệu Nữ Vương – Đà Nẵng. Điện thoại: +84 511 3824 676
- Hội Quán: 155 Nguyễn Văn Linh – Đà Nẵng
- Tiến Thành: 227 Trần Phú – Đà Nẵng. Điện thoại: +84 511 3820 817
Không đòi hỏi chế biến
cầu kì, mà đơn giản và rất dễ ăn. Thịt heo cuốn
bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến
hương vị hoàn hảo. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp
hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm
nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp
cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối
chát…
Tuyệt chiêu của món này
phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm
không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng
thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai
dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt
sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm
nêm. Với
món cuốn bánh tráng thịt heo, chắc hẳn thực khách sẽ không bao giờ quên
được vị ngọt đậm của thịt heo kết hợp với vị tươi mát của xà lách, vị
cay nồng của húng, quế và vị chua chua chát chát của chuối trái và
khế.
Để tròn vị, bạn nên chọn
quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc
Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… tùy nhà hàng sang trọng hay
bình dân với giá khoảng từ 30.000 - 80.000 đồng.
Bạn
có thể
thưởng thức món ăn tuyệt với này tại các nhà hàng, quán ăn sau:
- Quán Mậu: 35 đường Đỗ Thúc Định - Điện thoại: 0511 3846 615. Quán này dân địa phương hay ăn.
- Quán Đồng Nội: 115 Đỗ Thúc Tịnh
- Quán Trần:
- Địa chỉ 1: 4 Lê Duẫn - Điện Thoại: 0511 3849 022
- Địa chỉ 2: 352 Hải Phòng - Điện thoại: 0511 3647 575
- Địa chỉ 3: 28 Duy Tân – Điện thoại: 05113 634 77
- Quán Bà Hường
- Địa chỉ 1: 35/2 Hàm Nghi – Quận Thanh Khê – Tp
Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 2248 466.
Địa chỉ 2: 364 Đường 2/9 – Quận Hải Châu – Tp Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 3611 629
Địa chỉ 3: 84 Chi Lăng – Quận Hải Châu – Tp Đà Nẵng
GỎI
CÁ NAM Ô
Gỏi cá Nam Ô có thể
được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng
ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt
đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép
nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Nước
cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột
ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm
với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc
rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo
Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài,
chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực
khách.
Có hai cách ăn gỏi cá: cá
với rau các loại cuốn bánh tráng
hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh
tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại,
chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi,
vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến
người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới
khu vực Nam Ô để thưởng thức mới
đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam
Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.
Bạn có thể thưởng thức món này ở một số địa điểm tham khảo sau:
- Quán Bà Mỳ: trên đường Mai Lão, bên trái, cuối đường Đống Đa.
- Quán Tấn: 464 Điện Biên Phủ – Đà Nẵng
- Quán Sáu Hào: 232 Trần Cao Vân – Đà Nẵng
- Quán 972 Nguyễn Lương Bằng – Đà Nẵng
Cá
cu có
nơi gọi là cá bè nhưng nói cho đúng phải là cá
bè cu. Cá thuộc dạng da trơn nước mặn nên thịt dai và thơm,
hình thù gần giống cá ngừ nhưng mình hơi dẹp. Thịt cá mềm dai hài hòa,
tươi ngọt hiếm thấy. Đà Nẵng vào mùa cá cu, các mẹ, các chị thường chế
biến các món ngon với cá cu để “bồi dưỡng” các ông chồng. Cá cu có thể
đem kho ăn với bún, có thể nấu lẩu cùng với các loại hải sản khác như
tôm, mực hoặc là đem nấu cháo cá cu. Hơn thế nữa, món cá cu nướng là
món ăn đặc sản Đà Nẵng nổi danh. Cá được xát với muối ớt, gói lá chuối
rồi đem nướng, mùi hương thơm lừng bay khắp xóm làng, đố ai có thể
cưỡng lại cơn thèm.
Mực cơm ở Đà Nẵng có màu tím hồng,
mình tròn lẳn bằng khoảng ngón tay cái, tách ra trong ruột có phần cơm
màu trắng, chính thành phần này làm tăng thêm hương vị riêng độc đáo
của mực cơm. Phần cơm màu trắng là trứng mực vào mùa sinh sản, có giá
trị dinh dưỡng rất cao. Mùa mực cơm ở Đà Nẵng thường vào tháng 6 đến
tháng 9. Mùi hương thơm lừng lan tỏa, vị tươi ngọt của thịt mực kết hợp
với bột chiên, bạn sẽ có cảm giác hòa quyện giữa sự mềm mại và giòn tan
vô cùng thú vị. Đặc biệt món này dùng nóng kèm với tương ớt và và một
ít rau quả như cà chua, dưa leo tạo thêm vị tươi mát của món ăn.
Đặc
biệt là các món chế biến từ tôm biển được
ưa chuộng hơn cả bởi sự hấp dẫn của hương vị thịt tôm tự nhiên và sự bổ
dưỡng mà món ăn mang đến cho người thưởng thức. Tôm ở đây có đủ các thể
loại: tôm bạc, tôm rằn, tôm hùm…xứng tầm là món ngon Đà Nẵng. Các món
tôm ở đây với từng thớ thịt săn chắc, giòn ngọt, đều giữ được hương vị
đặc trưng của biển một cách nguyên vẹn nhất. Bên cạnh đó rất
đa dạng và phong phú về cách chế biến. Du khách sẽ được thưởng thức vị
ngọt đậm đà của tôm và hương thơm lừng của tỏi trong món “tôm hấp tỏi”
hay vị thơm nồng giòn, mặn của món “tôm đất rang muối”, hoặc thưởng
thức vị chua cay, nóng hổi của món “lẩu tôm”. Giờ đây món đặc sản tôm
bình dân đã trở thành đặc sản Đà Nẵng mang phong vị riêng không thể
thiếu trong danh mục ẩm thực đất Việt.
- Quán Bà Thôi:
- Địa chỉ 1: 96-98 Lê Đình Dương, Dương Nam, Hải Châu - Đà Nẵng (nói taxi ai cũng biết). ĐT: 05113 825 384.
- Địa chỉ 2: KDC mở rộng 2 – Đường Hoàng Sa, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng. ĐT: 0905 055 511.
- Nhớ ăn cua rang me sốt ngon vô đối, mực tươi nướng.
- Quán Thơ Ý: ở cuối đướng Sơn Trà Điện Ngọc, ngay sát bãi biển. Quán ăn ngon và rẻ, phục vụ nhiệt tình. Tham khảo các món như nghêu nướng mỡ hành, hàu nướng, mực chiên giòn..., giá vô cùng "hạt dẻ" nhé..
- Dọc bãi biển Mỹ Khê: view đẹp, giá thành hơi cao hơn 1 chút như nhà hàng Mỹ Hạnh trên đường Hoàng Sa.
- Cuối Đường Lê Đình Dương: có khá nhiều quán lẩu, hải sản bình dân, cứ làm ít mực tươi hấp, ngao hoa nướng mỡ hành và kết thúc bằng món Lẩu Cá Cu.
Ngoài các món hải sản nổi
tiếng được kể trên. Các bạn có thể tìm thưởng thức các món hải sản ngon
khác ở Đà Nẵng như: chíp chíp hấp xả (loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng
đặc trưng của Đà Nẵng), cua rang me, cháo hàu, mực nướng sa-tế, sò điệp
nướng mỡ hành, và các loại ốc (ốc hút, ốc đá, ốc hương, ốc bươu). Trên
đường Lê Duẫn có rất nhiều quán ốc ngon và rẻ.
Tuy không phải là món đặc sản Đà Nẵng, nhưng nghe nói chè Xoa Xoa Hạt Lựu ở đây rất ngon nên BN đưa vào danh sách...truy lùng của quý cô. Xoa xoa nấu từ rau câu,
hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon,
thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt
dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon,
mát lành.
Khi ăn, độ giòn giòn của
thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo
ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt
mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt
vời.
Có nhiều quán xoa xoa
hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một
số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô
Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly. Tuy nhiên,
giữa biết bao hàng quán khác trong thành phố, thương hiệu Châm chợ Cồn
với món chè xoa xoa hạt lựu nức tiếng vẫn
dễ
dàng được nhận ra. Nay đã chuyển về địa điểm mới ở 187
đường Hải Phòng – quận Hải Châu - thành phố Đà Nẵng.
- Chè Xoa Xoa Phan Thanh: 111 Phan Thanh - Đà Nẵng. Bán từ sáng tới 17h00.
Bánh khô mè là một loại bánh truyền thống của dân tộc, là loại bánh
không thể thiếu trong dịp tết. Ngoài bánh in, bánh khô, bánh đa …thì
bánh khô mè của là một đặc sản có tiếng ở Đà Nẵng.
Bánh khô mè có
2 loại là bánh nổ và bánh mè nhưng nguyên liệu chính thì vẫn là bột gạo
nếp nhưng chỉ khác nhau ở lớp vỏ ngoài. Bên cạnh đó thì bánh sử dụng
đường non, gừng tươi, bột quế Trà My, mè để tăng thêm vị ngon, đặc biệt
của bánh. Bánh khô mè nhìn thoạt có vẻ giống mè xửng Huế nhưng vị của nó
thì khác xa.
Mè xửng Huế thì khá là dẻo nhưng bánh khô mè ở đây thì rất giòn, khô,
xốp, cắn một miếng đã thấy giòn tan trong miệng. Bánh đạt chuẩn phải mè
phải được rang vàng phủ phía ngoài, với bánh nổ thì bánh được phủ đều,
màu trắng tin của nếp nổ, lớp vỏ phải có chút dẻo dẻo của đường non và
độ xốp cao, vị ngọt vừa phải, ăn không ngán. Những khoanh bánh nhỏ nhắn
hình vuông, màu sắc bắt mắt, ăn kèm với trà nóng thì rất tuyệt vời.
Có thể nói đây là một món ăn không thể không biết đến trong thực đơn ẩm thực đường phố của các bạn trẻ ở Đà Nẵng.
Bắt nguồn từ chiếc bánh tráng dừa được nướng trên than hồng cùng bò
khô vụn và nước ruốc pha loãng, đến nay món ăn này đã có thêm nhiều biến
thể khác nhau để đổi vị. Những nguyên liệu không kém phần hấp dẫn được
thêm vào như bánh tráng kẹp trứng cút, kẹp pa tê, kẹp mực…; cùng hai
loại cơ bản là khô và ướt (hay còn gọi là trải và cuốn).
Đối với loại khô, người ta dùng bánh tráng dừa, loại được cắt sẵn
thành từng miếng hình tam giác, bỏ lên than hồng, quét một lớp nước
tương ớt (hoặc nước ruốc) pha loãng, sau đó nhanh tay đập trứng cút sống
(hoặc pa tê) cho lên bề mặt bánh, dùng muỗng dàn đều. Tiếp đó, người ta
cho thêm hành phi, hành lá xắt nhỏ và bò khô vụn lên trên, chờ trứng
vừa chín tới thì xếp ra đĩa, cứ thế làm liên tục theo yêu cầu của khách.
Tương tự, với loại ướt, người ta nhúng bánh tráng vào trong nước lạnh
cho mềm, sau đó cũng trải lên bếp than, cho nhân tùy chọn cùng các
nguyên liệu như trên vào rồi cuốn lại thành hình chữ nhật (hoặc tam
giác) cho gọn gàng, chờ lớp vỏ bánh vừa xém lửa là lấy ra ngay để khi
dùng bánh vẫn giữ được độ mềm.
Khi ăn người ta có thể chọn một trong bốn loại nước chấm là nước bò
khô rim, nước ruốc, tương ớt hoặc tương cà (đều là của quán tự làm) để
ăn cùng cho thêm phần đậm đà. Chiếc bánh nóng hổi, thơm phức, hòa quyện
trong cái beo béo của nhân, cay nhẹ của nước chấm, làm cho mọi giác quan
đều bị thu hút và không thể nào cưỡng lại được. Các quán bán bánh tráng
kẹp tập trung nhiều ở đường Phan Châu Trinh, Lê Duẩn thuộc Quận Hải Châu.
TÀU HŨ COCKTAIL
Định làm riêng 1 bài viết về các món ăn vặt, nhưng vì thấy không có bao nhiêu món nên BN đưa luôn vào đây.
Cũng là làm từ đậu nành nhưng tàu hũ ở Đà Nẵng rất đặc, mịn và kết dính cao, khi đổ ra đĩa không vỡ nát nên thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ ngay đến món rau câu mát lạnh. Tàu hũ thường được đựng trong những chiếc khuôn hình tròn. Tùy theo sở thích của khách mà chủ tiệm kèm đá và các hương vị, hoa quả khác như sô cô la, sầu riêng hay cocktail (hỗn hợp trái cây trộn cùng siro)… Múc từng thìa tàu hũ nhỏ đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt được vị thơm, bùi, béo, mịn của đậu nành làm kì công hòa chung vị ngọt của đường.
Một điểm lưu ý nhỏ là tàu hũ phải ăn nhanh bởi nếu để đá tan hết thì vị của tàu hũ sẽ nhạt đi phần nào. Bạn có thể ghé đường Nguyễn Văn Linh để thưởng thức món tàu hũ ngon với giá từ 14.000đ/1 đĩa.
TÀU HŨ COCKTAIL
Định làm riêng 1 bài viết về các món ăn vặt, nhưng vì thấy không có bao nhiêu món nên BN đưa luôn vào đây.
Cũng là làm từ đậu nành nhưng tàu hũ ở Đà Nẵng rất đặc, mịn và kết dính cao, khi đổ ra đĩa không vỡ nát nên thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ ngay đến món rau câu mát lạnh. Tàu hũ thường được đựng trong những chiếc khuôn hình tròn. Tùy theo sở thích của khách mà chủ tiệm kèm đá và các hương vị, hoa quả khác như sô cô la, sầu riêng hay cocktail (hỗn hợp trái cây trộn cùng siro)… Múc từng thìa tàu hũ nhỏ đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt được vị thơm, bùi, béo, mịn của đậu nành làm kì công hòa chung vị ngọt của đường.
Một điểm lưu ý nhỏ là tàu hũ phải ăn nhanh bởi nếu để đá tan hết thì vị của tàu hũ sẽ nhạt đi phần nào. Bạn có thể ghé đường Nguyễn Văn Linh để thưởng thức món tàu hũ ngon với giá từ 14.000đ/1 đĩa.
Vì bài viết được sưu tầm nên khó tránh khỏi những thiếu sót, mong có thêm những chia sẽ và góp ý của các bạn cho các món ngon ăn uống Đà Nẵng.
1 comments:
Thật tuyệt vời, những địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng
Cảm ơn bạn đã chia sẻ
------------------------------------------
Ms Nga-Kinh Doanh-SacoJet.vn
0938 172 672 - 090 262 1479 – 1900 63 6479
Chuyên Đặt vé máy bay VietNam Airlines đi Đà Nẵng uy tín tại TpHCM
Post a Comment
Cám ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ thêm các địa chỉ ăn ngon! Vì lợi ích cuả đọc giả những QUẢNG CÁO KHÔNG PHÙ HỢP với bài viết sẽ không được đăng tải. Mong thông cảm!